Theo phản ánh của Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay có nhiều lô hàng nhập khẩu là dụng cụ để ăn, uống, như: ly, tách, chén, dĩa qua các cửa khẩu TP.HCM đang bị vướng về quy định kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ly, chén, dĩa, tách thuộc nhóm bao bì chứa đựng thực phẩm. Ảnh minh họa
Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, trên cơ sở Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 và Nghị định 163/2004/NĐ-CP, ngày 5-3-2007, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 818/QĐ-BYT công bố Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó phần bao bì và vật dụng chứa đựng thực phẩm có bao gồm cả bộ đồ ăn, bộ đồ dùng nhà bếp bằng plastic, bằng sứ, bằng gốm, bằng thủy tinh.
Hiện nay, các cơ sở pháp lý của Quyết định 818/QĐ-BYT đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hủy bỏ quyết định này.
Tuy nhiên, ngày 17-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó Thủ tướng đã khẳng định Quyết định 818/QĐ-BYT đã hết hiệu lực và chỉ đạo Bộ Y tế phải ra văn bản bãi bỏ hiệu lực Quyết định này trong IV-2015. Nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo Luật An toàn thực phẩm thì dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm là đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.Trong khi Quyết định 818/QĐ-BYT nói trên hết hiệu lực, hiện nay cơ quan Hải quan đang băn khoăn việc kiểm tra an toàn thực phẩm của nhóm này thực hiện như thế nào?
Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, hiện có 2 luồng ý kiến để xử lý các lô hàng nêu trên. Ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ những dụng cụ, vật liệu bao gói nào được sản xuất ra nhằm mục đích để chứa đựng, bao gói, bảo quản thực phẩm không bị hư hỏng trong thời hạn sử dụng, như: hũ, bình, chai, lọ, bao túi, trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm mới là đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn những dụng cụ để ăn, uống, như: ly, tách, chén, dĩa thì không thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm để tránh việc kiểm tra tràn lan như lâu nay, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kéo dài thông quan. Hơn nữa, theo Cục Hải quan TP.HCM, trên thực tế, trong thời gian qua, tại các đơn vị hải quan cửa khẩu chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với dụng cụ bao gói thực phẩm. Chính vì thế, Cục Hải quan TP.HCM đề xuất xử lý theo ý kiến trên.
Ý kiến thứ hai, cho rằng tiếp tục thực hiện theo danh mục của Quyết định 818/QĐ-BYT. Xem dịch vụ xin giấy phép xuất nhập khẩu
Được biết, vướng mắc trên đã được Cục Hải quan TP.HCM báo cáo Tổng cục Hải quan để hướng dẫn cho doanh nghiệp.
(Nguồn internet)