Hải quan TP.Hồ Chí Minh: Phấn đấu giảm số nợ xuống còn 1.250 tỷ đồng

Với số nợ thuế trên 1.716 tỷ đồng, Cục Hải quan TP.HCM phấn đấu từ nay đến cuối năm giảm số nợ xuống còn 1.250 tỷ đồng, phá 3-4 đường dây thành lập DN “ma” lừa đảo trốn thuế của Nhà nước.

Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, trong số nợ trên, có trên 193 tỷ đồng nợ phát sinh từ 1-7-2013 đến nay, trên 908 tỷ đồng nợ chưa đến 10 năm và trước 1-7-2013 (trước khi Luật Quản lí thuế có hiệu lực) và trên 613 tỷ đồng nợ trên 10 năm. Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, số nợ 908 tỷ đồng là khoản nợ rất khó thu hồi, vì chủ yếu thuộc diện nợ của DN giải thể, ngưng hoạt động, chủ DN đã bỏ trốn. Ông Nghiệp nhận định, nếu thu hồi được 1/3 số nợ này là sự cố gắng hết sức của cơ quan Hải quan.

Để thu hồi được số nợ thuế của các DN ngừng họat động, bỏ trốn, Cục Hải quan TP.HCM đã làm việc với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc. Cơ quan này cho biết, đối với một số DN Hàn Quốc, chủ DN đã về nước, nếu có đủ tài liệu, hồ sơ nợ thuế của những DN này, cơ quan Hải quan gửi danh sách cho Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc để gửi về Hàn Quốc phối hợp truy tìm. Đối với các khoản nợ còn nợ khác, các Chi cục rà soát lại các khoản nợ chưa đến 10 năm, phần nào cần phối hợp với cơ quan Công an thì liên hệ với Phòng Thuế XNK để phối hợp triển khai thu hồi nợ. Lập hồ sơ từng DN, kiểm tra lại toàn bộ số nợ trước khi chuyển cho cơ quan Công an phối hợp thu hồi nợ. Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, để truy tìm giám đốc các DN, cơ quan Hải quan phải gửi Công văn đến Công an phường nơi chủ DN cư trú. Công chức thu hồi nợ phải nắm được thông tin DN nợ thuế, trong đó gắn kết với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế địa phương…

Từ thực tế thu hồi nợ, các Chi cục Hải quan cửa khẩu TP.HCM cho rằng, có không ít khó khăn trong công tác thu hồi nợ, nhất là những khoản nợ phát sinh từ trước ngày 1-7-2013. Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 Lê Nguyên Linh cho rằng, khoản nợ này rất khó thu, bởi vì DN đã bỏ trốn, không còn hoạt động. Trên thực tế có nhiều DN nợ vài trăm triệu đồng, nhưng chỉ có tài khoản của cá nhân giám đốc DN có tiền, nhưng tài khoản DN không có nên không thể thu hồi nợ bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của DN như quy định trong Luật Quản lý thuế. Cùng quan điểm này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 Lê Chiến Thắng cho biết, việc trích tiền tài khoản của DN, cơ quan Hải quan không có thông tin về ngân hàng mà DN mở tài khoản. Việc kê biên tài sản, một mình cơ quan Hải quan không thể thực hiện được mà phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác mới thực hiện được.

Để công tác thu hồi nợ thuế hiệu quả, ngày 15-7, Cục Hải quan TP.HCM đã ban hành quy trình theo dõi, đốc thu nợ thuế hướng dẫn các Chi cục Hải quan thực hiện việc phân công quản lý, theo dõi, phân loại tờ khai còn nợ thuế để kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, tổ chức thu hồi nợ đọng và quyết định cưỡng chế thuế đối với các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế. Trong quy trình đốc thu thuế được quy định, hướng dẫn chi tiết tiêu chí phân loại nợ, các bước lập hồ sơ, theo dõi, thu hồi nợ thuế; các bước đôn đốc thu hồi nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; các bước xóa nợ thuế, xét miễn thuế, gia hạn nộp thuế…

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, với quy trình này, từ ngày 15-7-2015, các Chi cục tổ chức triển khai và lập hồ sơ nợ đối với từng DN theo đúng quy trình. Trước mắt, các Chi cục thống kê chính xác số nợ chưa đến 10 năm gửi về Phòng Thuế XNK rà soát chung giữa các Chi cục để tổng hợp những DN nợ thuế tại nhiều Chi cục, sau đó, Cục Hải quan TP.HCM sẽ thành lập một nhóm công tác xử lý rốt ráo số nợ này. Xem thêm dịch vụ khai thuê hải quan HCM giá rẻ

(Nguồn: internet)

Hải quan TP.Hồ Chí Minh: Phấn đấu giảm số nợ xuống còn 1.250 tỷ đồng
Đánh giá bài viết

Leave a Reply