Khi ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ thị trường EU giảm, ngành thủy sản lại có lợi thế cạnh tranh đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) so với các đối thủ khác. Xem Doanh nghiệp tăng tốc đón cơ hội vàng từ EU
Hiện thủy sản xuất khẩu sang EU vẫn đang được hưởng ưu đãi GSP.
Hiện Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hai nước đang tiến hành rà soát văn bản pháp lý để có thể đi đến ký kết hiệp định vào mùa Thu năm nay.
Việc ký kết EVFTA sẽ là vận hội mới để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu; tập trung vào những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh như nông, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ nhờ ưu đãi mở cửa thị trường của EU. Theo đó, 99% số dòng thuế sẽ được EU mở cửa thị trường trong vòng 7 năm cho các mặt hàng của Việt Nam.
Là một trong những ngành được hưởng lợi từ EVFTA, ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, EVFTA có tác động tốt hơn đối với ngành thủy sản so với khi chưa có hiệp định.
“Dần dần việc được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sẽ giảm bởi khuynh hướng ở EU là khi các nước trưởng thành, mặt hàng trưởng thành sẽ không được áp dụng cơ chế GSP nữa. Nếu ký được EVFTA, ngành thủy sản sẽ có lợi thế về thuế để xuất khẩu sang thị trường EU so với các đối thủ khác”, ông Hòe nói.
Khi nói về khả năng cạnh tranh hàng hóa tại thị trường EU, ông Trương Đình Hòe cho biết, hiện mặt hàng thủy sản của Việt Nam được người tiêu dùng EU ưa chuộng. Bằng chứng là mức tăng trưởng trong những năm gần đây tăng tốt, ví dụ như mặt hàng tôm đang có chiều hướng phát triển tốt, cá tra cũng được đánh giá cao. Số lượng doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào EU lên tới 400 doanh nghiệp, chỉ đứng sau Trung Quốc.
“Những dẫn chứng trên là yếu tố căn bản để đánh giá khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam tại thị trường EU. Nếu có thêm ưu đãi thuế của EVFTA, Việt Nam sẽ lợi hơn bởi các quốc gia xuất khẩu thủy sản sang EU chưa có FTA với EU”, ông Hòe nhận định.
Theo số liệu của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang EU 6 tháng đầu năm 2015 đạt 551 triệu USD, giảm 16% so với 656 triệu USD cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm giảm 14% đạt 246 triệu USD, cá tra giảm 17,6%, cá ngừ giảm 21%.
Đây cũng là xu hướng chính của các thị trường xuất khẩu thủy sản vào EU như: Thái Lan giảm tới gần 45%, Ecuador giảm 35%, Ấn Độ giảm 9%, trừ Trung Quốc vẫn tăng trên 8%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do đồng Euro mất giá so với đồng USD khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Về xu hướng xuất khẩu thủy sản sang EU trong những tháng tới, VASEP nhìn nhận, kinh tế EU chưa có dấu hiệu hồi phục, đồng Euro sẽ tiếp tục trượt giá làm giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trong đó có thủy sản. Các nhà nhập khẩu EU tìm cách hạ giá mua, cơ quan quản lý thì tăng cường kiểm tra cảnh báo chất lượng thủy sản nhập khẩu. Xem dịch vụ xuất nhập khẩu
Đây sẽ là những thách thức đối với doanh nghiệp sang thị trường truyền thống này: Vừa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu vừa duy trì được khả năng cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước đối thủ khác trên thị trường này.
Do vậy, thị trường EU chưa có dấu hiệu khả quan trong những tháng cuối năm 2015. Nhu cầu có thể tăng so với nửa đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái chắc chắn vẫn tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, trong 10 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU luôn đạt tốc độ từ 15% đến17%/năm. EU là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Lý do giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh xuất khẩu tại thị trường EU ngoài sự năng động của doanh nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu của thị trường này và đặc tính bổ sung từ hai khu vực kinh tế, EU còn được đánh giá là khá “hào phóng” khi cho Việt Nam ưu đãi GSP ngày từ khi hai bên mới chỉ ký Hiệp định hợp tác khung từ năm 1996.
(Nguồn internet)