Ráo riết xử lý hàng trăm container hàng hóa đang tồn đọng tại cảng Sài Gòn

Hàng trăm container hàng tồn đọng tại các cảng biển Tp.HCM đang được Cục Hải quan Tp.HCM phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng xử lý ráo riết nhằm tránh lãng phí tài sản, ách tắc cảng và ô nhiễm môi trường.

rao-riet-xu-ly-hang-tram-container-hang-hoa-dang-ton-dong-tai-cang-sai-gon

Cảng Cát Lái Tp.HCM. Ảnh internet

Cần 15 tỷ đồng xử lý 300 container lốp xe ô tô

Theo Cục Hải quan TP.HCM, tính đến 29-6, tại các cảng, sân bay đang tồn đọng gần 800 container và trên 4.500 kiện hàng hóa. Số hàng hóa này NK về cảng, sân bay quá 90 ngày nhưng chủ hàng chưa đến làm thủ tục hải quan nhận hàng. Trong đó, Cục Hải quan TP.HCM đang thực hiện xử lý 554 container và gần 4.400 kiện hàng.

Phần lớn hàng hóa tồn đọng hiện nằm tại cảng Cát Lái với 672 container; cảng Sài Gòn khu vực 3 tồn 92 container; Tân Cảng 12 container… Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cảng Cát Lái là cảng biển có lưu lượng hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu lớn, mỗi năm khoảng 3 triệu container, nên số lượng hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại cảng cũng rất lớn, khoảng 700 container, chiếm 0,05% sản lượng hàng hóa NK. Mặc dù đã hết sức cố gắng xử lý nhưng lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái liên tục phát sinh.

Theo phân tích của Hải quan TP.HCM, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng Cát Lái nhiều. Bên cạnh lưu lượng hàng hóa NK lớn, qua công tác xác minh nhiều DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã NK về cảng; một số cá nhân, đơn vị NK hàng hóa không đủ điều kiện NK vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục NK được thì từ bỏ hàng; một số trường hợp NK rác, phế liệu, phế thải từ nước ngoài về rồi từ bỏ hàng hóa; DN ở nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam rồi không chịu tái nhập hàng về nước sở tại. Ngoài ra, còn nguyên nhân do nhiều lô hàng XK đi nước ngoài bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia NK, DN trong nước từ bỏ hàng…

Do DN từ chối nhận hàng, người gửi hàng và người vận chuyển không có ý kiến, nên công tác xác minh phía nước ngoài khó khăn, dẫn đến tồn đọng một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm phải xử lý rất tốn kém, không hiệu quả

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các container hàng tồn đọng nêu trên có nhiều mặt hàng thuộc diện cấm (lốp xe đã qua sử dụng), nhựa phế liệu… Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trong số gần 700 container hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày thì có đến gần một nửa số này là lốp xe ô tô đã qua sử dụng. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, số container lốp xe nêu trên được nhập về cảng Cảng Cát Lái từ đầu năm 2015, nhưng đến nay DN vẫn chưa đến làm thủ tục hải quan.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, lốp xe ô tô đã qua sử dụng là mặt hàng cấm NK nên việc xử lý số hàng tồn đọng này hết sức khó khăn. Do không có chủ hàng nên không thể thực hiện tái xuất, còn việc tiêu hủy đòi hỏi chi phí cực kì tốn kém. Theo tính toán sơ bộ, việc tiêu hủy 1 tấn lốp xe ô tô cũ tốn khoảng 2,5 triệu đồng. Như vậy, trên 300 container lốp xe (mỗi container 20 tấn), thì chi phí tiêu hủy lên đến khoảng 15 tỷ đồng, chưa kể việc tiêu hủy rất dễ ảnh hưởng đến môi trường.

Kiến nghị xử lý hàng tồn đọng

Theo Cục Hải quan TP.HCM, theo quy định, cơ quan Hải quan quản lý hàng hóa tồn đọng khi xử lý phải làm thủ tục thông báo trong 60 ngày, thời gian này là khá dài. Số tiền thu được từ bán trực tiếp hoặc bán đấu giá hàng hóa tồn đọng sau khi đã trừ đi chi phí suốt quá trình xử lý rất ít, thậm chí nhiều lô hàng sau khi bán thanh lý thu không đủ bù chi (chi phí lưu container, lưu bãi, vận chuyển, tiêu hủy…). Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính giao cơ quan Hải quan chủ trì xử lý hàng tồn đọng chưa phù hợp, do chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, không có chức năng kinh doanh nên Hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạm ứng, thanh toán thu, chi, thuê các dịch vụ liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng. Thời gian chờ đợi kết quả kiểm định, giám định, định giá hàng tồn đọng… của các cơ quan, tổ chức có liên quan kéo dài.

Theo quy định, đối với hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: Thuốc tây, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, điện thoại… phải mời đại diện có thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành khi xử lý. Vậy trong trường hợp này, cơ quan chuyên ngành của TP.HCM hay cấp bộ. Do đó, cần có quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện xử lý hàng tồn đọng theo Thông tư 203/2014/TT-BTC.

Đối với hàng hóa tồn đọng gây ô nhiêm môi trường, chủ hàng, phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều lô hàng như phế liệu bẩn, lốp xe ô tô cũ… nếu tiêu hủy rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng do không xác định được chủ thể vi phạm và cũng không ràng buộc được người vận chuyển hay người gửi hàng nên việc xử lý rất khó khăn. Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng do thời gian tồn đọng quá lâu, gần như tự hủy hoàn toàn (bột đậu nành, vải…); hàng hết hạn sử dụng; hàng là động vật đã chết, rau củ quả đã hư thối, hàng gây ô nhiễm môi trường… chưa có cơ chế xử lý riêng mà vẫn phải họp hội đồng và xử lý theo trình tự các bước quy định tại Thông tư 203, mất nhiều thời gian.

Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn trong trường hợp trên bill (hóa đơn) không thể hiện dấu hiệu hàng hóa vi phạm nhưng qua kết quả kiểm tra phát hiện trong container chứa hàng cấm thì đưa ra khỏi danh sách hàng thanh lý theo Thông tư 203 để phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu xác minh, xử lý theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan. Bên cạnh đó, cần đưa các DN đứng tên nhận hàng vi phạm vào đối tượng rủi ro cao nhằm hạn chế tình trạng đưa hàng vi phạm vào Việt Nam, khi không trót lọt thì bỏ hàng, gây tốn kém thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và gây ô nhiễm về môi trường do phải tiêu hủy.

Cục Hải quan TP.HCM cũng đề xuất Bộ Tài chính giao Sở Tài chính là thành viên chủ trì Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển (lãnh đạo Sở Tài chính là Chủ tịch Hội đồng) do có nhiều ưu điểm, như: Sở Tài chính là cơ quan quản lý ngân sách Nhà nước, có đầy đủ thẩm quyền thanh toán thu – chi, có bộ phận chuyên trách quản lý công sản, có chức năng thẩm định giá hàng hóa và có kho, bãi để chứa tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trước khi bán trực tiếp hoặc bán đấu giá.

Giao DN kinh doanh kho, bãi là thành viên hội đồng chịu trách nhiệm thực hiện công tác thông báo về hàng hóa tồn đọng, thực hiện việc kiểm kê, phân loại ban đầu, liên hệ thuê các cơ quan dịch vụ kiểm đếm, giám định hàng hóa, đấu giá và mang hàng hóa đi tiêu hủy về sau đối với những lô hàng bắt buộc phải tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Ứng trước toàn bộ chi phí và thanh toán lại với Hội đồng sau mỗi đợt thanh lý.

Tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Cục Hải quan TP.HCM vào cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường yêu cầu các Chi cục phải ráo riết xử lý hàng hóa tồn đọng. Lấy mốc 30-6-2016, các Chi cục thực hiện tổng kiểm kê lại hàng tồn đọng, phân loại theo thời gian quá 30 ngày, 60 ngày và quá 90 ngày. Theo phản ánh của đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện nay đã có tình trạng ùn ứ container tại cảng, một phần do lượng hàng về cảng nhiều, một phần do hàng tồn đọng tại cảng ngày càng gia tăng nên việc xử lý hàng tồn đọng cần ráo riết, khẩn trương hơn nữa.

Xem thêm: Chỉ thực hiện kiểm tra nguyên liệu tồn kho khi có nghi ngờ

Nguồn internet

Ráo riết xử lý hàng trăm container hàng hóa đang tồn đọng tại cảng Sài Gòn
Đánh giá bài viết

Leave a Reply