Thông tư về kiểm tra hàm lượng formaldehyt vẫn tắc

Thay vì có những quy định phù hợp với thực tế, tháo gỡ vướng mắc về giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may thì Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương vẫn “làm khó” cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.

Thong-tu-ve-kiem-tra-ham-luong-formaldehyt-van-tac-maika

DN dệt may vẫn phải than khổ vì Thông tư kiểm tra hàm lượng formaldehyt. Ảnh minh họa

Dự thảo khác với ban hành

Nếu như tại dự thảo Thông tư lấy ý kiến trước khi ban hành, mặt hàng NK theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư thì theo quy định tại Thông tư 37/2015/TT-BCT, mặt hàng NK theo loại hình trên lại thuộc các trường hợp phải kiểm tra hồ sơ. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định phạm vi điều chỉnh là các sản phẩm sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, về bản chất các sản phẩm, nguyên liệu dệt may NK theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, các sản phẩm là nguyên liệu của DN chế xuất NK phục vụ cho sản xuất hàng XK không tiêu thụ tại Việt Nam. Trường hợp muốn tiêu thụ tại Việt Nam, DN phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và áp dụng chính sách quản lý như đối với hàng hóa NK thông thường. Xem dịch vụ xin giấy phép xuất nhập khẩu

Do vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, nên đưa các mặt hàng, sản phẩm, nguyên liệu dệt may NK theo các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, các sản phẩm là nguyên liệu của DN chế xuất NK phục vụ cho sản xuất hàng XK vào các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 37/2015/TT-BCT.

Khi tham gia ý kiến về khái niệm “sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất”, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét quy định cụ thể nội dung “sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất”, quy định cụ thể mã số HS để tránh trùng với nhóm hàng hóa của các mặt hàng khác. Tuy nhiên, tại Thông tư 37/2015/TT-BCT, Bộ Công Thương chưa hướng dẫn nội dung này. Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung để cơ quan Hải quan và DN NK thực hiện thống nhất.

Đối với quy định lấy mẫu, Tổng cục Hải quan đã từng kiến nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể trường hợp DN mua hàng của nhà XK nhưng không xuất trình được mẫu vật liệu dệt thì có phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc để kiểm tra hay không? Tuy nhiên, Thông tư 37/2015/TT-BCT lại chưa hướng dẫn trường hợp này. Theo Tổng cục Hải quan, trường hợp phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc sẽ ảnh hưởng đến DN do trị giá sản phẩm nguyên chiếc để lấy mẫu thường rất lớn.

Về phía DN, ông Nguyễn Thành Trung- Phó Phòng logistics Công ty TNHH quốc tế Tam Sơn cho rằng, quy định lấy mẫu như hiện nay làm DN kinh doanh hàng dệt may cao cấp rất tốn kém và khá bất công; lô nào, mẫu nào về cũng phải lẫy mẫu kiểm tra. Với những DN NK hàng loạt, có khi cả container chỉ phải lấy một mẫu đề kiểm tra, nhưng với hàng cao cấp, có giá trị lớn, được sản xuất ở các nước có nền kinh tế phát triển và một mẫu chỉ nhập vài sản phẩm nên việc lấy mẫu kiểm tra hàng hóa vẫn gây tốn kém nhiều thời gian và chi phí của DN.

Quy định đưa hàng về bảo quản chưa phù hợp

Về nội dung đưa hàng về bảo quản, tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định đối với trường hợp kiểm tra giảm, tổ chức cá nhân NK thuộc DN được ưu tiên theo quy định tại Điều 8 và Điều 23 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được đưa hàng về kho bảo quản. Khi có kết quả kiểm tra Nhà nước sẽ tiến hành làm thủ tục thông quan chính thức.

Hướng dẫn này có phần chưa phù hợp với Thông tư 38/2015/TT-BTC. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC đối với hàng hóa kiểm tra chất lượng, việc kiểm tra thực hiện tại cửa khẩu; trường hợp đưa hàng về địa điểm khác để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan có văn bản theo mẫu. Chi cục trưởng chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xem xét quyết định cho đưa hàng về bảo quản tại cảng XK, NK hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa XK, NK chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan; địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của người khai hải quan. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương cần có sửa đổi, quy định việc đưa hàng về bảo quản đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC, không quy định cụ thể đối với từng trường hợp như thông tư của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, đối với quy định chuyển tiếp, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị có hướng dẫn cụ thể. Bởi, theo quy định, từ ngày 1-7-2016, cơ quan Hải quan chỉ thông quan khi tổ chức, cá nhân NK xuất trình thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước cho các lô hàng NK đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Thông tư có hiệu lực từ 15-12-2015, do đó, từ thời điểm Thông tư có hiệu lực đến 1-7-2016, DN NK có phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng để cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa hay không?

Như vậy, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ xóa những bất cập cho DN nhưng thực tế ngược lại. Không những chưa giải quyết được những bất cập và tạo sự đổi mới về quản lý chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ mà dường như Thông tư 37/2015/TT-BCT vẫn đứng ngoài thời cuộc, phớt lờ ý kiến của người thực hiện là DN và cơ quan Hải quan.

Bài liên quan: Kiểm tra formaldehyt và nỗi khổ của DN

(Nguồn internet)

Thông tư về kiểm tra hàm lượng formaldehyt vẫn tắc
Đánh giá bài viết

Leave a Reply