Trên 23.000 tỷ đồng là số vốn mà các nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào Vĩnh Long, với gần 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực chăn nuôi, hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, sản xuất bánh kẹo, giải trí, dệt may, chế biến rau hoa quả…
Tại hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Long đưa ra 67 dự án mời gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2017-2020 với tổng mức vốn đầu tư ước tính trên 27.500 tỷ đồng. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, 4 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang đã tiến hành ký kết hợp tác triển khai Đề án liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông trong việc liên kết tiêu thụ nông sản, xúc tiến đầu tư, chia sẻ quản lý tài nguyên môi trường, liên kết phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển nguồn nhân lực…
Thủ tướng Chính phủ tìm hiểu các sản phẩm thế mạnh của Vĩnh Long bên lề hội nghị.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao khát vọng và quyết tâm đổi mới, vươn lên của chính quyền tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá việc Vĩnh Long đạt được kết quả 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là một sự cố gắng rất lớn mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, dù có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng Vĩnh Long lại đang phát triển dưới tiềm năng. Do đó, Thủ tướng đề nghị thời gian tới Vĩnh Long cần phấn đấu trở thành một trong những tỉnh năng động hàng đầu cả nước về kinh tế với mức tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới phải đạt gấp 4 lần hiện nay. Muốn hiện thực hoá tầm nhìn này, Vĩnh Long cần vươn lên gia nhập nhóm các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Vĩnh Long cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là xây dựng tốt mối liên kết nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối.
Thủ tướng cũng nhận định, việc nhiều nhà đầu tư cam kết đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long với số vốn lớn là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua có một số doanh nghiệp cam kết đầu tư nhưng sau đó không thực hiện. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ cần có giải pháp giám sát hoạt động giải ngân theo cam kết của các nhà đầu tư.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Vĩnh Long đã cấp chủ trương đầu tư cho 7 dự án với tổng số vốn dự kiến là gần 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó còn có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn dự kiến khoảng 2.650 tỷ đồng. Ngoài ra còn có thỏa thuận ghi nhớ 14 dự án với tổng số vốn dự kiến khoảng 17.400 tỷ đồng. Tổng số vốn dự kiến của ba nhóm dự án nói trên khoảng 23.000 tỷ đồng, khoảng 1 tỷ USD, gấp gần 1,4 lần so với số vốn đầu tư hiện có của tỉnh.
Phát biểu ý kiến, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định môi trường kinh doanh của Vĩnh Long thời gian qua tuy có cải thiện nhưng không ổn định và liên tục trồi sụt. Cụ thể là, năm 2008-2009 Vĩnh Long lọt vào Top 5, nhưng năm 2010 xuống thứ 9 và 2011 tụt dài xuống thứ 54; rồi 2012 là quay về Top 5 nhưng ngay sau đó tụt xuống 15-20; trong hai năm 2016, 2017 lại được xếp thứ 6/63.
Tuy được xếp hạng 6/63, nhưng có một số chỉ số thành phần quan trọng lại giảm mạnh; ví dụ: Tiếp cận đất đai từ vị trí số 1 (2016) tụt xuống thứ 14 (2017) và chỉ số minh bạch từ vị trí 11 tụt xuống thứ 51/63, tức là tụt 40 bậc. Chỉ số PAPI cũng tương tự như vậy. Năm 2014 Vĩnh Long xếp thứ 2/63, ngay sau đó tụt xuống thứ 14 và tiếp tục tụt xuống thứ 29 (2016). Điều đó cho thấy nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là chưa nhất quán, chưa liên tục; chưa mạnh mẽ…
Từ thực tế đó, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng chính quyền tỉnh Vĩnh Long phải quyết liệt, nhất quán và mạnh mẽ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu duy trì ổn định Vĩnh Long ở Top 5 liên tục trong ít nhất 5 năm.
Muốn vậy, lãnh đạo tỉnh, nhất là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh phải coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là công việc ưu tiên hàng đầu trong chương trình công tác hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng của mình; luôn quan tâm đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, tìm kiếm những cách làm mới, cách quản lý mới nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh. Phải tạo áp lực bắt buộc toàn thể bộ máy hành chính thay đổi thái độ làm việc theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp; quan tâm tìm hiểu và giải quyết các vấn đề, khó khăn của doanh nghiệp, trước hết là gần 2.700 doanh nghiệp đang hoạt động và 30 dự án đầu tư có được hôm nay.
“Sự thành công của những doanh nghiệp này là công cụ hữu hiệu nhất cho xúc tiến, mời gọi thêm đầu tư cho tương lại” – TS Cung nhấn mạnh.
Đặc biệt, TS Cung cho rằng Vĩnh Long cần thành lập ngay Trung tâm xúc tiến, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án đầu tư và phát triển doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thay vì trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư như hiện nay nhằm giải quyết, tháo gỡ nhanh nhất các vấn đề vướng mắc của các nhà đầu tư.
Nguồn internet