Người trong cuộc nói về việc kiểm tra chuyên ngành

Trong giai đoạn tự do thương mại ngày càng mở rộng như hiện nay, khi mà Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…, vấn đề bảo vệ chủ quyền kinh tế và tạo thuận lợi cho hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu hợp pháp có vai trò hết sức quan trọng.

dia-diem-kiem-tra-chuyen-nganh-maika

Lễ khai trương địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại sân bay TSN, Tp.HCM

Báo Hải quan xin giới thiệu bài viết của ông Hoàng Huy Hoàng- Phó Trưởng phòng Cục CNTT và Thống kê Hải quan, một trong những công chức Hải quan có nhiều năm làm việc về Cơ chế một cửa quốc gia, đã tham gia làm việc với nhiều bộ, ngành quản lý chuyên ngành về hàng hóa XNK. Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn khá chi tiết của tác giả về vấn đề này.

Cơ quan Hải quan hiện nay không chỉ tập trung cho nhiệm vụ thu ngân sách mà còn phải tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp và hoạt động giao lưu hàng hóa qua biên giới, đồng thời vẫn phải kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo an ninh quốc gia. Để hài hòa được các mục tiêu này là điều không hề dễ dàng vì thực tế khi dành ưu tiên cho một mục tiêu nào thì sẽ tác động ngược chiều với các mục tiêu còn lại.

Nhưng, ở biên giới không chỉ có Hải quan mà còn có sự tham gia và sẻ chia trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Ví dụ, một con tàu biển nhập cảnh vào Việt Nam sẽ chịu sự quản lý của Hải quan (về hàng hóa), Biên phòng cửa khẩu – Bộ Quốc phòng (về con người), Kiểm dịch y tế (Bộ y tế), Kiểm dịch thực vật và cơ quan Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cảng vụ – Bộ Giao thông vận tải (phương tiện). Tương tự như vậy, một tầu bay nhập cảnh cũng chịu sự quản lý của từng ấy cơ quan, chỉ khác là cơ quan an ninh (Bộ Công an) sẽ thay Biên phòng cửa khẩu (Bộ Quốc phòng) quản lý về con người.

Đó là đối với cả một phương tiện vận tải, nhưng tìm hiểu chi tiết hơn đối với từng lô hàng cụ thể được chuyên chở trên phương tiện vận tải đó thì sự quản lý còn phức tạp hơn rất nhiều. Như người ta vẫn thường gọi đó là quản lý về chính sách mặt hàng và kiểm tra chuyên ngành, với sự tham gia của hàng chục các bộ, ngành khác nhau liên quan đến vấn đề cấp giấy phép, giấy kiểm tra chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, đăng kiểm, chứng nhận hợp quy…

Ví dụ: khi nhập khẩu mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng, cơ quan Hải quan sẽ chỉ được phép thông quan hàng hóa khi doanh nghiệp đã xuất trình đầy đủ các giấy chứng nhận do Bộ Y tế cấp. Hay khi nhập khẩu thép thì doanh nghiệp phải xuất trình được giấy phép của Bộ Công Thương và các chứng nhận liên quan. Rồi tới các mặt hàng từ thuốc lá, rượu bia, tới phân bón, thủy hải sản, các chất hóa học, vật liệu nổ, trang thiết bị y tế, sản phẩm động vật thực vật… dù ít hay nhiều cũng liên quan tới một thủ tục hành chính nào đó của các bộ, ngành.

Tất nhiên, sẽ có những trường hợp ngược lại, nghĩa là các cơ quan quản lý của các bộ, ngành sẽ dựa trên kết quả thông quan của Hải quan để thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp (ví dụ như: Bộ Công Thương chỉ cấp giấy chứng nhận xuất xứ khi đã nhận được kết quả thông quan lô hàng xuất khẩu của Hải quan,…).

Vậy tại sao việc quản lý chính sách mặt hàng và kiểm tra chuyên ngành lại rườm rà và phức tạp đến vậy? Nguyên do một phần là chính sách và quy định quản lý của chúng ta vẫn chưa bắt kịp với thời đại cũng như xu thế trên thế giới. Nhưng, ở một mặt nào đó, thì hầu hết quốc gia đang sử dụng nó như một công cụ không thế thiếu nhằm tạo ra những “rào cản” hợp pháp để thực hiện những mục tiêu quản lý của mình. Ví dụ như: Để bảo vệ an ninh quốc gia, để phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, để bảo vệ sức khỏe con người, để tạo ra những hàng phi thuế quan… Đây là điều mà ít ai để ý, nhưng trong xu thế tự do hóa thương mại như đã đề cập ở trên (Theo các Hiệp định thương mại mà ta đã ký kết như TPP, FTA…), khi mà hàng rào thuế quan không thể áp dụng một cách tùy ý như trước nữa (vì nếu áp dụng sẽ vi phạm các điều ước quốc tế và có thể sẽ bị kiện), thì đây sẽ là công cụ khả dĩ và thường xuyên nhất mà các quốc gia sẽ áp dụng để bảo hộ nền sản xuất trong nước và ngăn chặn những luồng thương mại không hợp pháp từ bên ngoài vào. Việc áp dụng chính sách mặt hàng thép như một số bài báo đề cập đến trong thời gian vừa qua là một ví dụ. Tương tự, xin dẫn thêm một trường hợp cụ thể liên quan đến mặt hàng nông sản. Ở Nhật Bản có một chính sách rất hay để bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp trong nước nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng nội địa, đó là “đánh thuế theo mùa”. Khi vào vụ mùa nông sản trong nước thì Chính phủ Nhật sẽ đánh thuế cao đối với các mặt hàng nông sản tương tự nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng khi hết mùa vụ, họ lại hạ thuế suất xuống để hàng hóa từ nước ngoài có thể nhập khẩu vào Nhật Bản bù đắp giai đoạn không thể sản xuất ở trong nước và phục vụ nhu cầu của người dân. Một cách làm hiệu quả mà phù hợp rất đáng để chúng ta học tập.

Trước tình hình đó, có giải pháp gì để cải thiện và làm cho mọi thứ tốt hơn?

Câu trả lời tất nhiên là “có”.

Đầu tiên ở góc độ hoạch định chính sách: Cần có một tổ chức/cá nhân có đủ tầm để đưa ra những quyết sách phù hợp hơn về vấn đề chính sách mặt hàng và kiểm tra chuyên ngành.

Tiếp đến là đưa ra giải pháp về sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong vấn đề cấp phép và XNK, trên cơ sở phải đảm bảo nguyên tắc “cùng thức, cùng ngủ” để “anh thức thì tôi cũng thức, anh ngủ thì tôi ngủ cùng để lấy sức mai làm tiếp”, không thể kéo dài tình trạng “anh thức, tôi ngủ” (người làm người không) hay ngược lại thì “chết doanh nghiệp”. Đó cũng là lý do vì sao mà thời gian trung bình hoàn thành thủ tục đối với hàng hóa XNK của Việt Nam vẫn cao so với các nước khác trong khu vực.

Và một giải pháp không thể thiếu trong thời đại khoa học công nghệ và xu hướng quốc tế hiện nay, chính là đưa Cơ chế một cửa quốc gia vào hoạt động càng sâu, rộng, càng nhanh càng tốt.

Xem thêm: Sắt thép nhập khẩu: chỉ được thông quan khi có kết quả kiểm tra chất lượng

Hoàng Huy Hoàng (Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan)

Người trong cuộc nói về việc kiểm tra chuyên ngành
Đánh giá bài viết

Leave a Reply